Lào Cai: Hai bệnh viện lớn mua thiết bị y tế giá cao bất thường
Hệ thống CT Scanner được nhập khẩu về Việt Nam có giá chỉ hơn 2,7 tỷ đồng nhưng bệnh viện Đa khoa TP.Lào Cai và bệnh viện Sản nhi Lào Cai lại mua sắm với giá gấp hơn 3 lần mức giá trên thông qua hình thức đấu thầu.
Giá chênh cao vẫn là ẩn số
Luật Đấu thầu được ban hành nhằm góp phần thiết lập môi trường minh bạch, cạnh tranh cho các hoạt động đấu thầu, tạo cơ sở để chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm cung cấp hàng hóa, dịch vụ, công trình… một cách hiệu quả và tiết kiệm ngân sách.
Tuy nhiên, công tác đấu thầu còn tồn tại tiêu cực mà thời gian qua, cơ quan điều tra liên tiếp làm rõ nhiều vụ án liên quan đến lĩnh vực này. Từ các vụ án đã cho thấy, sự câu kết tinh vi giữa chủ đầu tư với thẩm định giá, nhà thầu… nhằm trục lợi, gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách Nhà nước.
Qua nghiên cứu tìm hiểu về hoạt động đấu thầu nói chung và gói thầu mua sắm hệ thống CT Scaner của bệnh viện Đa khoa TP.Lào Cai và bệnh viện Sản nhi Lào Cai nói riêng, PV nhận thấy giá thiết bị trong gói thầu có sự chênh lệch cao so với giá nhập khẩu, số tiền lên tới nhiều tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 8/12/2021, ông Vũ Anh Dũng - Giám đốc bệnh viện Đa khoa TP.Lào Cai ký Quyết định số 220/QĐ-BVTP phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sắm hệ thống CT Scaner 32 lát cắt/vòng quay và máy xét nghiệm huyết học (máy đông máu) phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện Đa khoa TP.Lào Cai.
Đơn vị trúng gói thầu trên là tổng công ty Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng (Mã số doanh nghiệp: 0100283055; địa chỉ số 102 phố Kim Mã Thượng, Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội. Giá trúng thầu 12.528.000.000 đồng (Mười hai tỷ, năm trăm hai mươi tám triệu đồng). So với giá dự toán 12.550.000.000 đồng, tiền tiết kiệm sau đấu thầu chỉ 22.000.000 đồng, đạt tỉ lệ 0,18%.
Đáng chú ý trong gói thầu này, hệ thống CT Scanner 32 lát cắt/vòng quay (Model: SOMATOM go.UP, hãng Siemens, xuất xứ Đức) có giá 11.780.000.000 đồng (Mười một tỷ, bảy trăm tám mươi triệu đồng).
Tuy nhiên, theo nguồn tin của phóng viên, hệ thống máy này được nhập khẩu về Việt Nam chỉ 119.618 USD tương đương 2.754.282.293 đồng (Hai tỷ, bảy trăm năm mươi tư triệu, hai trăm tám hai nghìn, hai trăm chín mươi ba đồng). Thông tin nhập khẩu không thể hiện số lát cắt/vòng quay của hệ thống máy.
Đối chiếu mức giá nhập khẩu và giá trúng thầu cho thấy, số tiền chênh lệch tới 9.025.717.707 đồng, gấp hơn 3 lần.
Tương tự, ngày 11/2/2022, bà Hoàng Thị Nguyệt - Giám đốc bệnh viện Sản nhi tỉnh Lào Cai ký Quyết định số 226/QĐ-BVSN phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm hệ thống CT Scaner 64 lát cắt/vòng quay phục vụ công tác khám chữa bệnh và phòng, chống dịch Covid – 19.
Đơn vị trúng thầu là công ty TNHH Thiết bị và Dụng cụ y khoa 3P (địa chỉ: 27 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) với giá trúng thầu 10.398.780.000 đồng (Mười tỷ, ba trăm chín mươi tám triệu, bảy trăm tám mươi nghìn đồng). Đây cũng là giá của hệ thống CT Scaner 64 lát cắt/vòng quay vì nó là sản phẩm duy nhất được mua sắm ở gói thầu.
Nếu so sánh với giá nhập khẩu như đã nêu ở trên, số tiền chênh lệch lên tới 7.644.497.707 đồng.
Để tìm hiểu rõ nguyên nhân và có thông tin đa chiều, PV đã liên hệ với bệnh viện Đa khoa TP.Lào Cai và bệnh viện Sản nhi Lào Cai nhưng không được phản hồi.
Theo tìm hiểu của PV, hệ thống CT Scanner khi nhập khẩu về Việt Nam còn chịu thêm thuế VAT và thuế nhập khẩu khoảng 10%. Thêm nữa, giá thiết bị y tế cao hay thấp đôi khi còn phụ thuộc và ảnh hưởng bởi các yếu tố: tính năng, công suất, linh phụ kiện theo kèm, chế độ bảo hành, bảo trì, đào đạo, vận chuyển, truyền thông...Tuy nhiên, với con số chênh lệch lên đến nhiều tỷ đồng thì thiết nghĩ, các cơ quan chức năng địa phương và Trung ương cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra, làm rõ, để minh bạch thông tin trước dư luận và tránh điều tiếng cho chủ đầu tư.
Cần xem xét lại khi giá chênh quá cao
Đánh giá về các nội dung nêu trên, luật sư Lê Cao (công ty Luật hợp danh FDVN – đoàn luật sư TP.Đà Nẵng) cho biết, đấu thầu là quá trình chủ đầu tư (bên mua) lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của mình. Trong đó, bên mua sẽ tổ chức đấu thầu để các nhà thầu cạnh tranh nhau.
Mục tiêu của bên mua là có được các hàng hóa và dịch vụ thỏa mãn yêu cầu của mình về kĩ thuật, chất lượng và chi phí thấp nhất. Mục đích của nhà thầu để giành được quyền cung cấp mua hàng hóa, dịch vụ đó với giá đủ bù đắp các chi phí đầu vào và đảm bảo mức lợi nhuận.
Giá trúng thầu còn bao gồm nhiều chi phí như: thuế, vận chuyển, lắp đặt và lợi nhuận…Tuy nhiên, giá đấu thầu quá cao so với giá nhập khẩu, giá thị trường thì rõ ràng cần xem xét.
Để đảm bảo nguồn ngân sách được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, pháp luật đã có quy định về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, hành vi gây thiệt hại từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị khởi tố hình sự. Tuỳ theo mức độ vi phạm, người phạm tội có thể đối diện với các mức án khác nhau. Trong đó, mức phạt cao nhất (gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở) lên có thể đối diện án phạt tù đến 20 năm.